NGƯỜI QUẢN LÝ, LÃNH ĐẠO VÀ ĐỘNG CƠ LÀM VIỆC CỦA NGƯỜI LAO ĐÔNG



I. Động cơ của người lao động:
- Động cơ là yếu tố thúc đẩy người lao động làm việc. Động cơ điều chỉnh hành vi của người lao động. Người lao động làm việc có hiệu quả hay không tùy thuộc vào việc người lãnh đạo phát hiện và hiện thực hóa động cơ làm việc của người lao động như thế nào.
- Động cơ làm việc của người lao động trong tổ chức là vô cùng phong phú và phức tạp, vì động cơ xuất phát từ nhu cầu của người lao động. Chính vì vậy, ở mỗi người lao động có những động cơ làm việc khác nhau. Có cá nhân thì làm việc để được thăng tiến, để có những vị trí quản lý nhất định trong tổ chức, để có quyền lực và khẳng định vị thế của mình trong tổ chức. Có những cá nhân làm việc tốt vì lòng tự trọng, vì danh dự của mình.
- Đối với người lao động, trong những thời điểm khác nhau thì động cơ làm việc cũng khác nhau. Điều quan trọng đối với người lãnh đạo là phải phát hiện ra được những động cơ bức xúc, quan trọng nhất đối với người lao động để giúp họ thực hiện nếu động cơ đó phù hợp với lợi ích của tổ chức và xã hội.
* Phân loại: Động cơ làm việc chính đáng và động cơ chưa chính đáng:
1. Động cơ chính đáng: Là động cơ kết hợp một cách hài hòa giữa lợi ích của cá nhân và lợi ích của tập thể, ở phạm vi rộng hơn nó phải hài hòa với lợi ích của xã hội.
2. Động cơ làm việc không chính đáng: Là động cơ chỉ xuất phát từ lợi ích của cá nhân mà không phù hợp với lợi ích chung của tổ chức. Nó mang tính vụ lợi rõ rệt. Những động đó sẽ không được sự ủng hộ của các thành viên trong tập thể.
II. Các yếu tố liên quan đến động cơ làm việc của người lao động:
Người lao động nói chung có động cơ làm việc một cách tự nhiên. Động cơ này bắt nguồn từ một thực tế là mọi người đều mong muốn được khẳng định bản thân, được thành đạt, được tự chủ và có thẩm quyền đối với công việc của mình, cũng như muốn có thu nhập đảm bảo cuộc sống cá nhân sung túc. Tất cả những gì mà người quản lý, lãnh đạo cần làm là khai thác khả năng bẩm sinh của họ, điều mà bạn có thể thực hiện dễ dàng mà không tốn một xu nào. Bước đầu tiên là phải loại trừ những hoạt động tiêu cực có thể triệt tiêu động cơ làm việc tự nhiên của họ. Bước thứ hai là phát triển những yếu tố thực sự có thể thúc đẩy tất cả nhân viên làm việc. Bằng cách đó, người quản lý, lãnh đạo sẽ tận dụng được động cơ thúc đẩy làm việc tự nhiên của nhân viên.
1. Những nhân tố có thể triệt tiêu động cơ làm việc của người lao động:
- Gây không khí làm việc căng thẳng trong công ty.
- Đặt ra những đòi hỏi không rõ ràng đối với hoạt động của nhân viên.
- Soạn thảo quá nhiều qui định không cần thiết buộc nhân viên thực hiện.
- Yêu cầu nhân viên tham dự những cuộc họp không hiệu quả.
- Làm gia tăng sự đua tranh nội bộ giữa các nhân viên.
- Che giấu những thông tin quan trọng liên quan đến công việc của nhân viên.
- Chỉ trích chứ không góp ý xây dựng.
- Nhân nhượng đối với những cá nhân làm việc không hiệu quả, vì thế những nhân viên làm việc hiệu quả cảm thấy bị lợi dụng.
- Đối xử không công bằng với các nhân viên.
- Sử dụng lao động chưa phù hợp với trình độ của nhân viên.
2. Những nhân tố có thể tạo động cơ làm việc thật sự giúp nhân viên phát huy khả năng của người lao động:
- Nếu nhân viên của bạn phải làm một công việc đơn điệu và nhàm chán, bạn hãy tìm cách bổ sung thêm cho họ một chút hài hước và sự đa dạng.
- Cho phép nhân viên tự do chọn lựa cách thực hiện công việc của họ.
- Khuyến khích việc chịu trách nhiệm cá nhân, đồng thời tạo ra các cơ hội thăng tiến trong công ty.
- Đẩy mạnh việc giao lưu và hoạt động đội nhóm.
- Tránh những chỉ trích cá nhân gay gắt.
- Cho phép nhân viên chủ động trong công việc.
- Thiết lập các mục tiêu và nhiệm vụ mang tính thách thức cho tất cả nhân viên.
- Xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá phản ánh được sự gia tăng hiệu quả hoạt động.
III. Những mong muốn tự nhiên tạo nên động cơ làm việc hiệu quả của người lao động:
Bằng cách loại ra những yếu tố triệt tiêu động cơ làm việc và thêm vào những yếu tố thúc đẩy động cơ làm việc, người quản lý, lãnh đạo sẽ gợi mở được những mong muốn tự nhiên của nhân viên để họ làm việc với động cơ và hiệu quả cao nhất. Dưới đây là những mong muốn đó:
- Mong muốn hoạt động.
- Mong muốn sở hữu.
- Mong muốn quyền lực.
- Mong muốn khẳng định.
- Mong muốn thu nhập đảm bảo cuộc sống sung túc.
- Mong muốn thành đạt.
- Mong muốn được thừa nhận.
- Mong muốn làm được việc có ý nghĩa.
Vậy, người quản lý, lãnh đạo đừng cố gắng thay đổi từng cá nhân một, mà hãy thay đổi cả công ty của bạn bằng cách giảm bớt những yếu tố triệt tiêu động cơ làm việc và gia tăng những yếu tố thiên bẩm của nhân viên để người lao động tự thúc đẩy chính mình.

Sinhviennhansu.blogspot.com