Để kiểm tra tốc độ phản xạ của ứng viên, nhiều nhà tuyển dụng đã sử dụng
nhiều "cái bẫy" để "hỏi xoáy đáp xoay" họ. Nếu chẳng may là con mồi,
các ứng viên chỉ còn biết cách tự ngoi lên bằng sự phản ứng nhanh nhẹn,
tế nhị, khéo léo và thông minh thì càng giành được lợi thế.
Dưới đây là một vài kiểu “bẫy” của nhà tuyển dụng:
Các câu hỏi phỏng vấn không rõ ràng
Khi trả lời bất cứ câu hỏi nào, bạn cũng cần nghĩ tới hai điều. Thứ
nhất là trả lời điều người phỏng vấn đã nêu. Thứ hai là trả lời sao cho
ngắn gọn và ấn tượng. Tuy nhiên, với những câu hỏi lan man, không cụ
thể, có khi vô thưởng vô phạt, không hề liên quan đến nghề nghiệp, công
việc của ứng viên thì bạn lại phải trả lời cách khác.
Cách hay nhất
là không trả lời gì cả, nói một câu dí dỏm thông minh, lái nhà tuyển
dụng vào vấn đề cụ thể: “Thưa ông/bà, nếu ông (bà) không phản đối, tôi
muốn nói một chút về…”.
Nghỉ giữa chừng
Đây là một kiểu “bẫy” phổ biến trong các cuộc phỏng vấn. Và có không ít ứng viên “sập”.
Chẳng hạn như khi nhà tuyển dụng đưa ra một câu hỏi, bạn trả lời và
ngồi đợi câu hỏi khác. Thế nhưng, chẳng biết là vô tình hay hữu ý, người
phỏng vấn vẫn chăm chú ngồi quan sát bạn, chừng như đang muốn nghe bạn
nói tiếp, trong khi bạn chẳng còn gì để nói.
Một số ứng viên, trong
sự im lặng và cái nhìn xoáy sâu của nhà tuyển dụng đã thật sự mất bình
tĩnh, cuống quýt, lắp bắp. Kiểu ứng phó như vậy thường bị đánh điểm rất
thấp. Tốt nhất bạn nên trả lời các câu hỏi mà nhân viên phỏng vấn đưa
ra, sau đó thật bình tĩnh và với ánh mắt thân thiện đáp trả lại cái nhìn
của nhà tuyển dụng. Nếu họ im lặng quá lâu, hãy chủ động là người đưa
ra câu hỏi.
Khơi mào để bạn nói ra các bí mật cá nhân
Người
phỏng vấn chuyên nghiệp rất có kinh nghiệm trong việc tạo ra bầu không
khí thân thiện, cởi mở trong lúc nói chuyện với ứng viên. Và bạn hãy cẩn
thận với loại “bẫy” này! Họ đang tìm cách “moi” những bí mật riêng tư
của bạn.
Đã có trường hợp thật đáng tiếc xảy ra: cách đây không lâu,
một ứng viên sáng giá của Trường Công nghệ sinh học Matxcơva đến Trung
tâm MBC phỏng vấn và được giới thiệu cho một khách hàng lớn, một Công ty
Sản xuất và Dịch vụ Vận tải Hải quan. Ông chủ công ty, sau khi kiểm tra
năng lực làm việc cũng như trình độ, đã hoan hỉ mời ứng viên này đến
làm việc.
Tuy nhiên, sau khi nói chuyện vui vẻ, thân mật với ông chủ
doanh nghiệp, ứng viên này đã vô tình bộc lộ ý định sẽ “đi du học lấy
bằng master ở Anh quốc trong một ngày không xa, bây giờ đi làm chỉ là để
có tiền trang trải mọi chi phí sinh hoạt tại Matxcơva”. Đương nhiên,
ứng viên này đã không bao giờ được mời đến làm việc nữa.
Do đó,
trong các cuộc phỏng vấn, điều quan trọng là bạn phải biết kiềm chế bản
thân mình, đừng nên nói những câu thừa thãi, đừng biểu lộ tâm trạng vui
vẻ, hưng phấn thái quá. Hãy tỏ ra bình tĩnh trước mọi tình huống, kể cả
khi nhân viên phỏng vấn muốn “khiêu khích” bạn nhằm mục đích tìm kiếm
các thông tin “mật” thuộc nghề nghiệp hoặc cá nhân.
Làm ra vẻ thích nghe bạn nói
Đây là một kiểu “bẫy” mà các ứng viên mắc bệnh nói nhiều thường hay bị
“lừa”. Sau khi đưa ra một câu hỏi, nhân viên phỏng vấn giả bộ chăm chú
nghe bạn nói, và thỉnh thoảng đệm vào một câu “À, ra thế”, “thú vị nhỉ”
và giả bộ ghi chép cái gì đó.
Nếu bạn không ý thức được, bạn sẽ
huyên thuyên dài dòng và không biết nên dừng lại ở đâu. Những ứng viên
như thế thường bị coi là không cụ thể, không rõ ràng và ít khi hoạch
định được cho mình một kế hoạch làm việc chuẩn mực.
Tốt nhất, bạn
nên trả lời các câu hỏi một cách ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc trong vòng
vài ba phút. Nếu như nhân viên phỏng vấn muốn bạn kể chi tiết hơn thì
lúc đó bạn có thể nói dài dòng hơn một chút, nhưng tuyệt đối không được
lan man, vòng vo.
Cố tình khiêu khích bạn
Có những trường hợp
khi bạn đang trả lời rất say sưa và hào hứng về một công việc nào đó
trước đây, đột nhiên nhân viên tuyển dụng ngắt lời bạn “Xin lỗi, tôi có
cảm giác rằng, anh chị là người hay uống rượu. Vậy anh (chị) có thường
uống rượu trong giờ làm việc không”.
Bạn sẽ trả lời ra sao? Tốt
nhất, đừng nổi khùng với họ hoặc tự ái với câu hỏi đó, nếu bạn là người
không uống rượu hãy trình bày thẳng quan điểm của mình. Còn nếu bạn là
người biết uống rượu, có thể nói rằng bạn chỉ uống rượu ở những nơi nào
và khi nào.
Tuyệt đối không nên dài dòng về chuyện này và nếu như
nhà tuyển dụng chưa tìm ra “cái bẫy” khác thì bạn phải thật khéo léo
thoát ra khỏi tình huống bằng một câu hỏi thật tế nhị như: “Theo tôi thì
hình như ông (bà) đang quan tâm đến công việc của tôi trước kia, và có
lẽ là tôi đang bỏ dở câu chuyện của mình, tôi có thể tiếp tục được
không?”.
Thực tế cho thấy, ít nhân viên phỏng vấn nào lại muốn quay
lại tranh cãi vấn đề này. Và như vậy, bạn vừa sa vào “bẫy” và đã thông
minh nhanh chóng thoát ra rồi đấy.
Theo kênh tuyển dụng