Chiến lược cạnh tranh - phần 1

Hôm qua xem Vietnam Gotalent, các thí sinh trình diễn hết những gì mà mình có theo cách đặc biệt nhất để giành được tình cảm của ban giám khảo và khán giả. Xem xong mình lại nghĩ đến "Chiến lược cạnh tranh" của Micheal Porter mà mình đã được đọc qua nên mạn phép cũng muốn chia sẻ với mọi người.
"Bạn phải có lối đi riêng trong ván cờ nhiều quân"
Có rất nhiều cách để nghĩ về cạnh tranh, về nhiệm vụ của các công ty và tổ chức trong cạnh tranh. Một trong những cách nghĩ phổ biến nhất về cạnh tranh là cạnh tranh để trở thành công ty tốt nhất trong lĩnh vực mà mình hoạt động như trở thành ngân hàng tốt nhất, hãng bảo hiểm tốt nhất, trở thành nhà sản xuất ô tô tốt nhất hoặc trở thành nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất…Một trong những cách suy nghĩ tự nhiên về chiến lược là cạnh tranh để trở thành tốt nhất trong lĩnh vực mà bạn đang làm, đây cũng là điều rất tự nhiên mà con người luôn muốn thực hiện, hay đó là trở thành số một (best of the best) tuy nhiên đây là cách suy nghĩ rất nguy hiểm về chiến lược. Tại sao lại như vậy?
Lý do là nếu bạn hoạt động trong một ngành nào đó bạn sẽ nhận thấy không chỉ một lần là không có công ty nào là tốt nhất cả. Đây là một câu hỏi chắc hẳn ai cũng thắc mắc, tại sao vậy? Nói đơn giản như thế này, xe máy nào là tốt nhất hay món hàng nào là tốt nhất điều đó tùy thuộc vào khách hàng. Không có xe Máy nào là tốt nhất, chiếc xe này có thể tốt nhất với một khách hàng nhưng chưa chắc tốt nhất đối với những khách hàng khác. Rồi đâu là ngân hàng tốt nhất, không có ngân hàng tốt nhất, ngân hàng tốt nhất đối với những gia đình có thu nhập thấp sẽ khác đối với những ngân hàng tốt nhất dành cho những người có thu nhập cao. Nếu như bạn nghĩ chỉ có một cách để cạnh tranh trong ngành của mình thì các bạn đã sai lầm có nhiều cách để cạnh tranh, nhiều cách để đưa giá trị cho các khách hàng của mình thách thức của bạn không phải là trở thành tốt nhất thách thức của bạn là phải trở thành độc nhất vô nhị, thách thức của bạn là phải đưa ra những gì mà đối thủ cạnh tranh của bạn không có. Chúng ta không thể nghĩ là có một sản phẩm tốt nhất, một hệ thống sản xuất tốt nhất, một dây chuyền phân phối tốt nhất hay một cách cung cấp dịch vụ tốt nhất. Có rất nhiều cách để thực hiện điều này trong tất cả các ngành, thách thức của chiến lược là phải trở nên khác biệt, phải đưa ra được những gì khác lạ. Các công ty Việt Nam cần phải học cách để trở thành độc nhất vô nhị, phải phát triển vị trí duy nhất đó của mình. Nhưng hiện nay thì sao? Tất cả đang sao chép, bắt chước lẫn nhau, trông giống nhau, làm những công việc trùng nhau. Cách làm này sẽ không mang lại hiệu quả nếu bạn muốn nâng cao sức cạnh tranh, muốn đạt đến trình độ cao hơn. Đã đến lúc các doanh nghiệp Việt cần tìm cách để trở nên khác biệt.
Những quan niệm sai lầm về Chiến lược
Khi nói về từ “Chiến lược” thì có rất nhiều sự nhầm lẫn về chiến lược và hầu hết đều xuất phát từ những suy luận sai lầm của chúng ta. ở đây tôi liệt kê ra 3 loại sai lầm phổ biến nhất khi định nghĩa về “Chiến lược”
·         Chiến lược là hành động
-          Chiến lược của chúng tôi là sát nhập với một công ty khác
-          Chiến lược của chúng ta là vươn ra quốc tế, bán hàng ra khu vực
-          Chiến lược của chúng ta là tăng gấp đôi ngân sách R&D
ð      Đây là những tuyên bố rất phổ biến mà tôi đã được nghe nhưng đó có phải là chiến lược hay không? Đây không phải là chiến lược mà đây là các bước hành động còn chiến lược là bạn đang đi đâu, vị trí nào mà bạn đang muốn đạt được. Chúng ta ở đây không thể nhầm các bước đi chiến thuật với chiến lược. Chiến lược là vị trí trên thị trường mà bạn muốn đạt được. Rõ ràng đây là một điều khác hẳn.
·         Chiến lược là khát vọng
-          Chiến lược của chúng tôi là trở thành số 1 hay số 2 trên thị trường
-          Chiến lược của chúng tôi là tăng trưởng thị phần
-          Chiến lược của chúng tôi là tạo ra nhiều lợi nhuận cho cổ đông
ð      Đây không phải là chiến lược, đây là hi vọng. Chiến lược là cách bạn phải làm để có thể trở nên khác biệt, phải phân biệt rõ ràng giữa chiến lược và mục tiêu, chiến lược và tầm nhìn.
·         Chiến lược là tầm nhìn, hoài bão
-          Chiến lược của chúng tôi là thấu hiểu và thỏa mãn các nhu cầu khách hàng
-          Cung cấp sản phẩm và dịch vụ tốt nhất
-          Ví dụ một công ty sản xuất phần mềm tuyên bố : tầm nhìn là chuyển đổi kinh doanh thông qua thiết kế.
ð      Ngày nay từ “Tầm nhìn”  được sử dụng rất nhiều. Đây không phải là chiến lược mà giống như một khẩu hiệu marketing.
Chiến lược phải là lợi thế cạnh tranh của bạn, là thứ khác biệt mà bạn đưa ra, cái này phải rất cụ thể chứ không phải là những tuyên bố rất “đao to búa lớn”. Lợi thế cạnh tranh phải được chi tiết và cụ thể hóa. Nó có thể là những đối tượng khách hàng riêng biệt có thể là chất lượng tốt nhất đối với một đặc tính của sản phẩm, có thể là thời gian giao hàng nhanh nhất, khách hàng sẽ nhận đươc hàng đúng giờ và nhanh chóng và có thể là khả năng đáp ứng một nhu cầu cá biệt của khách hàng.
Đâu là lợi thế của bạn đó chính là chiến lược, tất cả các doanh nghiệp phải có khả năng mô tả và hiểu rõ đâu là lợi thế cạnh tranh của mình và không những phải biết giải thích những lợi thế đó với khách hàng mà còn phải biết giải thích điều đó với nhân viên của mình nữa bởi vì nếu như nhân viên không biết những điểm đặc biệt và duy nhất của công ty thì làm sao mà họ có thể góp phần tạo ra điều đó. Một điều nữa cũng cần phải hiểu rõ là chiến lược tốt phải bắt đầu qua việc bắt đầu thiết lập mục tiêu  tài chính phù hợp. Mục tiêu số một trong các mục tiêu của bất cứ công ty nào là lợi nhuận thực trên tổng số tiền đầu tư, là lợi nhuận thu về từ việc bỏ ra một số vốn cụ thể đầu tư nếu như bạn thu lợi nhuận cao trên số tiền đầu tư thì thực sự bạn đã tạo ra giá trị cạnh tranh. Tăng trưởng là tốt nhưng tăng trưởng chỉ là mục tiêu số 2. Mục tiêu số 1 là lợi nhuận trên vốn, mục tiêu số 2 là tăng trưởng, không vinh dự gì khi tăng trưởng nhanh nhưng lại không tạo ra lợi nhuận. Ở những nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Việt Nam rất dễ nhầm lẫn điều này, rất dễ nghĩ tăng trưởng là số 1 và lợi nhuận là mục tiêu số 2. Tôi đảm bảo rằng nếu bạn suy nghĩ như vậy công ty bạn sẽ gặp rắc rồi.


sinhviennhansu.blog