Quản trị tri thức: Phương thức biến doanh nghiệp thành đế chế trường tồn

         Những giá trị, những lợi thế và sức mạnh cạnh tranh của mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp đang dần thay đổi. Thế giới đang ngày càng trở nên phẳng hơn bao giờ hết trong môi trường hội nhập quốc tế. Những rào cản xưa kia tưởng chừng không thể khoả lấp giờ đây chỉ còn là những vết mờ. Thời đại của công nghệ thông tin, thời đại của nền kinh tế tri thức đã thực sự định hình. Những nhân tố tạo ra sức mạnh cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp không còn là vốn đất đai, vốn tư bản, vốn tài chính hay vốn công nghệ mà nhường chỗ cho nhân tố vốn tri thức, là khả năng doanh nghiệp “nắm giữ bao nhiêu tri thức và sử dụng nó như thế nào để hiệu quả nhất”. Vốn tri thức và rộng lớn hơn nữa là Quản trị tri thức đang thực sự trở thành nhân tố chủ đạo tạo nên những bước tiến thần kỳ của mỗi quốc gia, mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp.

          Tuy mới ra đời chỉ hơn 10 năm nhưng Quản trị tri thức đang trở thành xu hướng toàn cầu. Vị trí của ngành quản trị non trẻ này đã và đang được khẳng định bởi sự thành công của nhiều Tập đoàn hàng đầu thế giới trong việc ứng dụng. Dựa trên nền tảng triết lý quản trị tri thức, những giá trị vật chất và tinh thần, chỉ số lợi nhuận và giá trị thị trường của những công ty áp dụng đã khiến thế giới doanh nghiệp ngưỡng mộ. Tiêu biểu cho những bước tiến, sự phục sinh thần kỳ đó là các tổ chức hàng đầu như: IBM, Coca – Cola, Microsoft, Google hay Yahoo. Ở Châu Á, chúng ta cũng được chứng kiến những bước nhạy vọt đầy mạnh mẽ với một phương thức quản trị tương tự trên phạm vi quốc gia như Singapor, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Malaisia. Trên phương diện tổ chức cả thế giới cũng bao lần kinh ngạc bởi một cái gọi là “Phương thức Toyota” dựa trên nền tảng quản trị tri thức Kaizen.

           Quản trị tri thức thực chất là một quá trình thúc đẩy cải tiến, khơi nguồn ý tưởng, khai thác một cách triệt để nguồn tài sản tri thức trong tổ chức, đồng thời là một quá trình chia sẻ, phát triển, lưu giữ tri thức liên tục nhằm cung cấp đúng lúc, đúng nơi và đúng người với mục đích đưa ra những quyết định nhanh chóng tạo nên những bước phát triển đột phá.

          Quản trị tri thức là phương thức tối ưu để ngăn chặn “nạn chảy máu chất xám” trong doanh nghiệp. Với mỗi tổ chức, nhân tài là nguồn tài sản vô giá nhưng cũng đồng thời là một nguồn tài sản đầy biến động. Mỗi khi một nhân viên giỏi ra đi không những gây ra sự xáo trộn mà nguy hiểm hơn tạo ra những khoảng trống không dễ lấp đầy, tác động tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh của tổ chức. Họ ra đi mang theo những kinh nghiệm, những bí quyết kinh doanh, những mối quan hệ và rồi trở thành đối thủ cạnh tranh, hoặc bị các công ty cùng lĩnh vực lôi kéo. Nhưng khi áp dụng quản trị tri thức, những tài sản bấy lâu nay nằm trong đầu nhân tài dưới dạng tiềm ẩn sẽ được chuyển sang tri thức hiện hữu qua phương thức chia sẻ và được cấu trúc lại để mọi người có thể học tập. Kết quả của quá trình này là tạo ra một “Kho tri thức hiện hữu” dùng chung cho tất cả thành viên, những cá nhân có khả năng thay thế cho nhau. Không còn đặc quyền về tri thức, không ngừng được làm giàu cho tri thức cá nhân là phương thức tối ưu cho mỗi doanh nghiệp giữ chân được nhân tài.

          Quản trị tri thức là phương thức tạo nên một tổ chức với những cá nhân năng động, một cấu trúc hệ thống học hỏi không ngừng với khả năng thích ứng cao. Vượt qua những giới hạn của phương thức quản trị truyền thống, quản trị tri thức giúp cho mỗi cá nhân trong tổ chức không ngừng học hỏi, biến những nhân viên lười nhác thành những con người sáng tạo tri thức liên tục. Dựa trên nền tảng tiêu chí chia sẻ và đánh giá tri thức đóng góp, quản trị tri thức tạo ra động lực tạo lập văn hoá chia sẻ giữa các thành viên trong tổ chức, thúc đẩy yếu tố tự học và tổ chức học tập suốt đời của doanh nghiệp. Trong môi trường văn hóa tri thức đó, khả năng của nhân viên được gia tăng hàng ngày, chất lượng tri thức của tổ chức không ngừng được hoàn thiện, chỉ số thông minh công ty SI cũng không ngừng được tăng cường. Hệ quả của quá trình này là một tập thể của những nhân viên năng động, làm việc qua chia sẻ tri thức, một tổ chức có khả năng thích ứng cao trong điều kiện hội nhập. (VD: Phương thức Toyota)

          Quản trị tri thức góp phần nâng cao khả năng ra quyết định của tổ chức. Trong thời đại ngày nay, thông tin không còn là tài sản độc quyền mà khả năng sử dụng và biến thông tin thành tri thức, thành sản phẩm mới là yếu tố tạo nên sự thành công của doanh nghiệp. Cơ hội trong kinh doanh chỉ là một khoảng khắc. Tổ chức nào ra quyết định nhanh nhất và chính xác nhất sẽ là người chiến thắng. Tuy nhiên trong quá trình ra quyết định, đa phần các tổ chức gặp phải vấn đề thiếu thông tin, thiếu cơ sở và thiếu tri thức để ra quyết định. Nhưng với quản trị tri thức tất cả những trở ngại đó sẽ được tháo gỡ. Quyết định là quyết định của tập thể, dựa trên nền tảng tri thức và kinh nghiệm của cả một tổ chức. Không ai mạnh bằng tất cả tập thể hợp lại là nguyên lý đã được chứng minh từ lâu. Coca – Cola là một ví dụ điển hình cho sự thành công trên phương diện này. Nhờ quản trị tri thức, họ đã tạo dựng nên một thương hiệu trường tồn và phổ biến khắp hành tinh.

         Quản trị tri thức là con đường tốt nhất để biến khách hàng thành những người bạn trung thành của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tồn tại là nhờ có khách hàng và với mục đích là phục vụ khách hàng. Nhưng làm thế nào để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng? Là câu hỏi không dễ với mọi doanh nghiệp. Khách hàng chỉ thực sự trung thành khi biết mình là một phần quan trọng của doanh nghiệp, là ông chủ thực sự của doanh nghiệp. Trong quản trị tri thức, thông qua mô hình CRM, các mối quan hệ khách hàng của tổ chức được chia sẻ với tất cả các thành viên. Các ý kiến đóng góp của khách hàng về sản phẩm, chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp đều được lưu giữ và tôn trọng. Dựa trên nguồn vốn tri thức từ khách hàng đó, doanh nghiệp có cơ sở không ngừng hoàn thiện chất lượng phục vụ khách hàng của mình. Nhờ quản trị tri thức, mối quan hệ khách hàng của mỗi cá nhân trở thành tài sản chung của doanh nghiệp, ý kiến của khách hàng cũng trở thành tài sản tri thức của tổ chức. Tiêu biểu cho sự thành công này là hiện tượng phát triển thần kỳ của Tập đoàn Dược phẩm Nabisxu với nguồn tài sản 8,4 tỷ USD chỉ sau 5 năm thành lập.

         Quản trị tri thức ngày nay đã trở thành xu hướng tất yếu của lịch sử. 80 – 95% giá trị của mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp không còn nằm ở tài sản hữu hình mà ẩn chứa trong nhân tố con người, vốn tri thức và những ý tưởng kinh doanh. Ở Việt Nam khái niệm vốn tri thức, quản trị tri thức tuy còn mới mẻ và chưa được nhận thức đầy đủ nhưng không phải vì thế chúng ta bỏ qua. Thay đổi hay là chết, hội nhập cùng thế giới, áp dụng quản trị tri thức để trường tồn hay trở thành kẻ bật bãi là sự lựa chọn của mỗi doanh nghiệp Việt Nam.

Ngô Phú Mạnh
Training & Consultancy Manager
GK Corporation
Email: ngophumanh@gkcorp.com.vn; manhnpcka@gmail.com
Website: vietnamlearning.vn