Bạn biết gì về chuyên ngành: quản trị nhân lực

Một ngành nghề suýt đi vào quyên lãng trong những năm kế hoạch hóa tập trung, nay lại là một trong bốn nghề “đỉnh”nhất Việt Nam. Tại sao vậy?

Những yêu cầu bức thiết từ việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đã khẳng định: “cạnh tranh” là yếu tố quyết định sự sống còn, thành bại của mỗi doanh nghiệp. Hơn thế, “con người” được xem là nhân tố quan trọng bậc nhất cho chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh trong các tổ chức. Do vậy, vận hành có hiệu quả bộ máy nhân sự là điều mà bất cứ doanh nghiệp Việt Nam nào trong giai đoạn hiện nay cũng mong muốn sớm đạt được. Tuy vậy số liệu nghiên cứu thực tế đã cho thấy hiện nay trung bình các doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ sử dụng khoảng 40% năng suất của nguồn nhân lực mà họ đang sở hữu. Nguyên nhân của vấn đề này cơ bản là do sự yếu kém về công tác quản trị nguồn nhân lực. Doanh nghiệp không có đủ và đúng nhân tài quản lý do đó mà thiếu năng lực khi nhìn nhận về nguồn vốn nhân lực cũng như thực thi hoạt động quản lý nhân lực của đơn vị mình.
Các khoá đào tạo về chuyên ngành quản trị nhân lực sẽ giúp cho nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng như cán bộ quản lý nhân lực hiểu hơn về tầm quan trọng trong phát huy vốn nhân lực và cách làm thế nào để vận hành có hiệu quả bộ máy nhân sự ở đơn vị mình. Đến với chuyên ngành Quản trị nhân lực người học sẽ được đào tạo không chỉ về chuyên môn nghiệp vụ mà còn được tập luyện nghệ thuật quản lý, rèn luyện những phẩm chất cần cho một cán bộ quản trị nguồn vốn khó nhất - vốn con người.
Sẽ rất thuận lợi cho học viên tham gia các khoá học chuyên ngành quản trị nhân lực nếu họ đã sẵn có các tố chất và đặc điểm cá nhân phù hợp với nghề nghiệp. Những tố chất đó được nhắc đến như là: năng động, sáng tạo, tự tin, vui vẻ, niềm nở, hóm hỉnh, thích giao tiếp, dễ gần, dễ hoà đồng, có khả năng tập hợp quần chúng, có khả năng bao quát, linh động nhạy bén, biết mình - biết người, có tính quyết đoán, có bản lĩnh, có ý chí..
Để có thể đoán biết rõ hơn về các tố chất của mình cũng sự phù hợp đặc điểm cá nhân đối với chuyên ngành quản trị nhân lực, bạn có thể đến với trắc nghiệm ở phần sau. Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, qua đào tạo có thể rèn luyện và vun đắp thêm những tố chất chúng ta đã có đồng thời qua đào tạo cũng có thể giúp chúng ta xây dựng nên những phẩm chất nghề nghiệp sẽ cần. Do vậy, nếu bạn đang lựa chọn một nghề, bạn nên hãy nên thử tìm sự phù hợp xem sao còn nếu ban đã chọn, bạn ạ! bạn cứ yên tâm và nỗ lực. Bạn sẽ tìm và xây dựng cho mình được các tố chất ấy. Chỉ cần bạn chọn cho mình một nẻo đường và biết rõ về hướng mình muốn đến. Những việc còn lại đã có xã hội, thầy cô, gia đình, bạn bè giúp đỡ bạn.
Với sự lựa chọn và ý chí nỗ lực của bản thân, sau khoá học các người học sẽ sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu đặt ra từ công việc như là: cách nhận biết về vai trò nguồn nhân lực; có kiến thức về tâm lý xã hội học lao động, luật lao động để sẵn sàng tiếp cận và giải quyết tốt các mối quan hệ nhân sự; Có nghiệp vụ về hoạch định nhân lực, phân tích công việc, đánh giá thực hiện công việc, tuyển dụng, đào tạo, tổ chức lao động, định mức lao động, tiền lương tiền công ..; Có nghệ thuật và khả năng sáng tạo trong giải quyết và điều hoà tốt mọi xung đột trong quan hệ nhân sự; Có kỹ năng giao tiếp tốt; Khả năng am hiểu tổ chức và nhanh nhạy nắm bắt tình hình bên ngoài; Có khả năng thích nghi nhanh, khả năng làm việc nhóm; Có khả năng tập hợp và lãnh đạo tập thể, biết kích thích và phát huy khả năng sáng tạo trong tập thể; Nắm vững và sử dụng tốt các công cụ phân tích, toán, thống kê, tin học, ngoại ngữ..; Nhanh chóng nắm bắt và sử dụng tốt các phương tiện kỹ thuật hiện đại; Sức khoẻ và sự nhiệt tình trong công việc …
Một cán bộ nhân lực giỏi sẽ không chỉ đóng góp công sức bản thân cho tổ chức, doanh nghiệp mình mà hơn thế họ sẽ là người tập hợp và phát huy được công sức, tài năng, sáng tạo và lòng nhiệt huyết của cả tập thể. Qua họ có thể phát huy và khẳng định được sức cạnh tranh từ nguồn vốn nhân lực của tổ chức.
Còn 60% năng suất của nguồn nhân lực hiện chưa được khai thác ở các doanh nghiệp đang chờ vào công sức và tài năng của các nhà quản trị nhân lực trong tương lai. Mượn cách nói của Bác, Việt Nam có khẳng định được vị thế khi gia nhập WTO hay không, mỗi doanh nghiệp có khẳng định được năng lực cạnh tranh hay không một phần lớn phải nhờ đến tài năng sử dụng nguồn vốn con người của các quản trị.
Xin sử dụng khẩu hiệu của tập đoàn thép Posco thay cho lời kết: Các nguồn tài nguyên đều là hữu hạn nhưng sức sáng tạo là vô hạn. Quản lý có hiệu quả nguồn nhân lực là chìa khoá giải phóng sức sáng tạo và đạt được lợi thế cạnh tranh.
Để biết thêm hơn nữa bạn có thể tham quan các trang Web như:
Nguồn:
(Ths. Nguyễn Thị Hồng - Trưởng Bộ môn Quản trị nhân lực - Đại học Lao động Xã hội)
http://ulsa.edu.vn