Có nên nâng tuổi nghỉ hưu?


(TBKTSG Online) - Tại Hội thảo góp ý cho dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi về tuổi nghỉ hưu hôm 17-4, một số chuyên gia cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu và cân bằng tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ là một trong những biện pháp nhằm giảm áp lực lên quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH).


Tuổi nghỉ hưu quy định là nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi; công an và lực lượng vũ trang, người lao động trong môi trường độc hại được nghỉ hưu ở tuổi 55. Nhưng theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam tuổi nghỉ hưu bình quân hiện nay là 53,2 tuổi, thời gian tham gia BHXH bình quân là 30,8 năm và thời gian nhận lương hưu tương đối dài, bình quân là gần 20 năm.
Theo ông Nguyễn Hùng Cường, Phó trưởng ban thực hiện chính sách BHXH, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, với mức đóng góp và mức hưởng chế độ như quy định hiện hành thì đến năm 2023 số thu cho quỹ BHXH sẽ bằng số chi và từ năm 2037, nếu không có chính sách hoặc biện pháp tăng thu hoặc giảm chi phù hợp thì số thu BHXH trong năm và kết dư của các năm trước sẽ không đảm bảo khả năng chi trả.
Để giảm áp lực cho quỹ bảo hiểm xã hội, nhân việc sửa đổi Bộ Luật lao động, đã có ý kiến đề nghị tăng dần tuổi nghỉ hưu của nam lên 65 tuổi, nữ lên 60 tuổi, tức là tăng thêm 5 năm đóng bảo hiểm xã hội và giảm 5 năm hưởng lương hưu. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của nữ lên bằng với nam giới.
(xem thêm: Nâng tuổi nghỉ hưu để giảm áp lực lên quỹ BHXH)
Cũng như mọi vấn đề xã hội khác, việc tăng giảm tuổi về hưu có tác động đến nhiều mặt khác của cuộc sống, chẳng hạn vấn đề năng suất lao động, lực lượng kế thừa trong guồng máy quản lý nhà nước, áp lực lên biên chế và ngân sách chính phủ và kế hoạch tổ chức trong gia đình của mỗi công dân. Một giải pháp có khi có lợi cho lĩnh vực này lại bất lợi cho lĩnh vực khác và ngược lại.
Theo thông lệ, sau khi tổ chức lấy ý kiến của công chúng và các đoàn thể xã hội, dự thảo sửa đổi Bộ Luật lao động sẽ được trình ra Quốc hội thảo luận, bỏ phiếu và thông qua thành luật.