Chứng minh kê khai giảm trừ gia cảnh

Nhờ các ACE tư vấn cho mình trường hợp như sau:Nhân viên N mới tuyển vào công ty mình,  nhân viên N đã kê khai Đăng ký giảm trừ gia cảnh ở công ty cũ (công ty A) rồi, nhưng không có giấy tờ gì chứng minh việc này. Tuy nhiên, công ty A này đã bị đóng cửa, giải thể nên không thể xin giấy tờ hoặc xác nhận được. 

Vậy, nhân viên N phải tự đến Cục thuế để xin lại giấy chứng nhận đã Đăng ký kê khai giảm trừ gia cảnh hay có thể đăng ký lại ở tại công ty mới (công ty B)?
Nếu đăng ký lại thì có phải ghi là đăng ký bổ xung (ko được ghi là đăng ký lần đầu)? Tuy nhiên, theo mình hiểu đăng ký bổ xung tức là nếu có thêm người phụ thuộc phải ko?

Nhờ ACE nào có kinh nghiệm tư vấn giúp mình nhé!
Trả lời 1:

Chào Thuần,

Khi nhân viên đã báo với bạn là đã làm hồ sơ đăng ký mã số thuế thu nhập cá nhân rồi thì bạn vui lòng kiểm tra lại trên trang Thu Nhập Cá Nhân Online ---> vào phần tra cứu Mã số thuế để kiểm tra theo số chứng minh thư của nhân viên đó - theo địa chỉ đường link sau: http://tncnonline.com.vn/Pages/TracuuMST.aspx.

Nếu đã có mã số thuế rồi, bạn chỉ cần lấy mã số thuế đó để khai giảm trừ & quyết toán thuế hay khai thuế cho họ mà thôi.

Còn nếu chưa có, bạn có thể đăng ký lại cho họ. Vì hiện tại họ đang công tác tại đơn vị nào thì đơn vị đó có trách nhiệm đăng ký mã số thuế thu nhập cá nhân giúp họ.

Hy vọng thông tin của mình sẽ giúp ích được cho bạn.
Trả lời 2: 
Bạn có thể đăng ký lại ở công ty mới, đánh dấu vô chỗ đăng ký bổ sung cũng không sao hết, thời điểm giảm trừ được tính lùi 30 ngày kể từ khi đăng ký hoặc thời điểm phát sinh quan hệ nuôi dưỡng (ví dụ con sinh tháng 01/2013, đăng ký vào tháng 05/2013 vẫn được giảm trừ từ tháng 01/2013).
Thân mến!
 Trả lời 3 :

Dear bạn Thuần,
Như bạn Hieu Nguyen đã chia sẻ rất chính xác. Tuy nhiên, điều đó chỉ đủ đối với người nộp thuế (đã có mã số thuế) nhưng chưa đủ đối với những người phụ thuộc mà trước đó người nộp thuế đã kê khai. Tốt hơn hết, người nộp thuế ( nhân viên) nên liên hệ với cty cũ để xin lại các thông tin đã kê khai (bản sao). Nếu kê khai lại (chậm) cho những người phụ thuộc, sẽ bị ảnh hưởng đến người nộp thuế (tùy theo mức lương cao/thấp, số người phụ thuộc nhiều/ít).
HR Groupmail

Quy Định Về Soạn Thảo Văn Bản


Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008; Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Căn cứ Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định về kiểm soát thủ tục hành chính; Căn cứ Thông tư số 25/2011/TT-BTP ngày 27 tháng 12 năm 2011 của Bộ Tư pháp về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và văn bản quy phạm pháp luật liên tịch; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế. QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Quyết định này thay thế Quyết định số 3024/QĐ-BGDĐT ngày 25 tháng 7 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. Nơi nhận: - Bộ trưởng (để b/c); - Văn phòng Chính phủ (để b/c); - Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); - Website Bộ GDĐT; - Như Điều 3 (để t/h); - Lưu VT, Vụ PC. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Trần Quang Quý

Văn bản đính kèm:  Đính kèm 1
                            Đính Kèm 2
                            Tổng Hợp

Chiến lược cạnh tranh - phần 1

Hôm qua xem Vietnam Gotalent, các thí sinh trình diễn hết những gì mà mình có theo cách đặc biệt nhất để giành được tình cảm của ban giám khảo và khán giả. Xem xong mình lại nghĩ đến "Chiến lược cạnh tranh" của Micheal Porter mà mình đã được đọc qua nên mạn phép cũng muốn chia sẻ với mọi người.
"Bạn phải có lối đi riêng trong ván cờ nhiều quân"
Có rất nhiều cách để nghĩ về cạnh tranh, về nhiệm vụ của các công ty và tổ chức trong cạnh tranh. Một trong những cách nghĩ phổ biến nhất về cạnh tranh là cạnh tranh để trở thành công ty tốt nhất trong lĩnh vực mà mình hoạt động như trở thành ngân hàng tốt nhất, hãng bảo hiểm tốt nhất, trở thành nhà sản xuất ô tô tốt nhất hoặc trở thành nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất…Một trong những cách suy nghĩ tự nhiên về chiến lược là cạnh tranh để trở thành tốt nhất trong lĩnh vực mà bạn đang làm, đây cũng là điều rất tự nhiên mà con người luôn muốn thực hiện, hay đó là trở thành số một (best of the best) tuy nhiên đây là cách suy nghĩ rất nguy hiểm về chiến lược. Tại sao lại như vậy?
Lý do là nếu bạn hoạt động trong một ngành nào đó bạn sẽ nhận thấy không chỉ một lần là không có công ty nào là tốt nhất cả. Đây là một câu hỏi chắc hẳn ai cũng thắc mắc, tại sao vậy? Nói đơn giản như thế này, xe máy nào là tốt nhất hay món hàng nào là tốt nhất điều đó tùy thuộc vào khách hàng. Không có xe Máy nào là tốt nhất, chiếc xe này có thể tốt nhất với một khách hàng nhưng chưa chắc tốt nhất đối với những khách hàng khác. Rồi đâu là ngân hàng tốt nhất, không có ngân hàng tốt nhất, ngân hàng tốt nhất đối với những gia đình có thu nhập thấp sẽ khác đối với những ngân hàng tốt nhất dành cho những người có thu nhập cao. Nếu như bạn nghĩ chỉ có một cách để cạnh tranh trong ngành của mình thì các bạn đã sai lầm có nhiều cách để cạnh tranh, nhiều cách để đưa giá trị cho các khách hàng của mình thách thức của bạn không phải là trở thành tốt nhất thách thức của bạn là phải trở thành độc nhất vô nhị, thách thức của bạn là phải đưa ra những gì mà đối thủ cạnh tranh của bạn không có. Chúng ta không thể nghĩ là có một sản phẩm tốt nhất, một hệ thống sản xuất tốt nhất, một dây chuyền phân phối tốt nhất hay một cách cung cấp dịch vụ tốt nhất. Có rất nhiều cách để thực hiện điều này trong tất cả các ngành, thách thức của chiến lược là phải trở nên khác biệt, phải đưa ra được những gì khác lạ. Các công ty Việt Nam cần phải học cách để trở thành độc nhất vô nhị, phải phát triển vị trí duy nhất đó của mình. Nhưng hiện nay thì sao? Tất cả đang sao chép, bắt chước lẫn nhau, trông giống nhau, làm những công việc trùng nhau. Cách làm này sẽ không mang lại hiệu quả nếu bạn muốn nâng cao sức cạnh tranh, muốn đạt đến trình độ cao hơn. Đã đến lúc các doanh nghiệp Việt cần tìm cách để trở nên khác biệt.
Những quan niệm sai lầm về Chiến lược
Khi nói về từ “Chiến lược” thì có rất nhiều sự nhầm lẫn về chiến lược và hầu hết đều xuất phát từ những suy luận sai lầm của chúng ta. ở đây tôi liệt kê ra 3 loại sai lầm phổ biến nhất khi định nghĩa về “Chiến lược”
·         Chiến lược là hành động
-          Chiến lược của chúng tôi là sát nhập với một công ty khác
-          Chiến lược của chúng ta là vươn ra quốc tế, bán hàng ra khu vực
-          Chiến lược của chúng ta là tăng gấp đôi ngân sách R&D
ð      Đây là những tuyên bố rất phổ biến mà tôi đã được nghe nhưng đó có phải là chiến lược hay không? Đây không phải là chiến lược mà đây là các bước hành động còn chiến lược là bạn đang đi đâu, vị trí nào mà bạn đang muốn đạt được. Chúng ta ở đây không thể nhầm các bước đi chiến thuật với chiến lược. Chiến lược là vị trí trên thị trường mà bạn muốn đạt được. Rõ ràng đây là một điều khác hẳn.
·         Chiến lược là khát vọng
-          Chiến lược của chúng tôi là trở thành số 1 hay số 2 trên thị trường
-          Chiến lược của chúng tôi là tăng trưởng thị phần
-          Chiến lược của chúng tôi là tạo ra nhiều lợi nhuận cho cổ đông
ð      Đây không phải là chiến lược, đây là hi vọng. Chiến lược là cách bạn phải làm để có thể trở nên khác biệt, phải phân biệt rõ ràng giữa chiến lược và mục tiêu, chiến lược và tầm nhìn.
·         Chiến lược là tầm nhìn, hoài bão
-          Chiến lược của chúng tôi là thấu hiểu và thỏa mãn các nhu cầu khách hàng
-          Cung cấp sản phẩm và dịch vụ tốt nhất
-          Ví dụ một công ty sản xuất phần mềm tuyên bố : tầm nhìn là chuyển đổi kinh doanh thông qua thiết kế.
ð      Ngày nay từ “Tầm nhìn”  được sử dụng rất nhiều. Đây không phải là chiến lược mà giống như một khẩu hiệu marketing.
Chiến lược phải là lợi thế cạnh tranh của bạn, là thứ khác biệt mà bạn đưa ra, cái này phải rất cụ thể chứ không phải là những tuyên bố rất “đao to búa lớn”. Lợi thế cạnh tranh phải được chi tiết và cụ thể hóa. Nó có thể là những đối tượng khách hàng riêng biệt có thể là chất lượng tốt nhất đối với một đặc tính của sản phẩm, có thể là thời gian giao hàng nhanh nhất, khách hàng sẽ nhận đươc hàng đúng giờ và nhanh chóng và có thể là khả năng đáp ứng một nhu cầu cá biệt của khách hàng.
Đâu là lợi thế của bạn đó chính là chiến lược, tất cả các doanh nghiệp phải có khả năng mô tả và hiểu rõ đâu là lợi thế cạnh tranh của mình và không những phải biết giải thích những lợi thế đó với khách hàng mà còn phải biết giải thích điều đó với nhân viên của mình nữa bởi vì nếu như nhân viên không biết những điểm đặc biệt và duy nhất của công ty thì làm sao mà họ có thể góp phần tạo ra điều đó. Một điều nữa cũng cần phải hiểu rõ là chiến lược tốt phải bắt đầu qua việc bắt đầu thiết lập mục tiêu  tài chính phù hợp. Mục tiêu số một trong các mục tiêu của bất cứ công ty nào là lợi nhuận thực trên tổng số tiền đầu tư, là lợi nhuận thu về từ việc bỏ ra một số vốn cụ thể đầu tư nếu như bạn thu lợi nhuận cao trên số tiền đầu tư thì thực sự bạn đã tạo ra giá trị cạnh tranh. Tăng trưởng là tốt nhưng tăng trưởng chỉ là mục tiêu số 2. Mục tiêu số 1 là lợi nhuận trên vốn, mục tiêu số 2 là tăng trưởng, không vinh dự gì khi tăng trưởng nhanh nhưng lại không tạo ra lợi nhuận. Ở những nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Việt Nam rất dễ nhầm lẫn điều này, rất dễ nghĩ tăng trưởng là số 1 và lợi nhuận là mục tiêu số 2. Tôi đảm bảo rằng nếu bạn suy nghĩ như vậy công ty bạn sẽ gặp rắc rồi.


sinhviennhansu.blog

Hồ sơ và quy trình cấp lại, điều chỉnh sổ BHXH.

Căn cứ vào quy định tại Điều 14 quyết định 553/QĐ-BHXH. Hồ sơ và quy trình cấp lại, điều chỉnh sổ BHXH gồm:
1. Hồ sơ:
       1.1. Cấp lại, đổi sổ BHXH: Thực hiện theo quy định tại Điều 32, Quy định quản lý thu BHXH, BHYT; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 1111/QĐ-BHXH.
       1.2. Điều chỉnh nội dung đã ghi trên sổ BHXH: Thực hiện theo quy định tại Điều 34, Quy định quản lý thu BHXH, BHYT; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 1111/QĐ-BHXH.
       2. Quy trình tiếp nhận và luân chuyển hồ sơ:
       2.1. Cấp lại, đổi sổ BHXH không phải thay đổi thông tin.
       2.1.1. BHXH huyện:
          - Bộ phận một cửa: Tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp lại sổ BHXH từ đơn vị, cá nhân (theo phân cấp quản lý), chuyển hồ sơ cho bộ phận Cấp sổ, thẻ; trường hợp cấp lại sổ BHXH do mất: Chuyển hồ sơ cho bộ phận một cửa BHXH tỉnh.
          - Bộ phận Cấp sổ, thẻ: Nhận hồ sơ từ bộ phận một cửa; kiểm tra, đối chiếu hồ sơ đề nghị cấp lại sổ BHXH với cơ sở dữ liệu hiện đang quản lý và cơ sở dữ liệu của BHXH Việt Nam; ký xác nhận nội dung thẩm định, trình Giám đốc phê duyệt và in sổ BHXH; chuyển hồ sơ, sổ BHXH cho bộ phận một cửa để chuyển trả cho tổ chức, cá nhân và thực hiện lưu trữ đúng quy định.
       2.1.2. BHXH tỉnh:
       - Bộ phận một cửa: Tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp lại sổ BHXH từ tổ chức, cá nhân (theo phân cấp quản lý) và hồ sơ đề nghị cấp lại sổ BHXH do mất từ bộ phận một cửa BHXH huyện chuyển đến, chuyển hồ sơ cho phòng Cấp sổ, thẻ.       
       - Phòng Cấp sổ, thẻ: Nhận hồ sơ từ bộ phận một cửa; kiểm tra, đối chiếu hồ sơ đề nghị cấp lại sổ BHXH với cơ sở dữ liệu hiện đang quản lý và cơ sở dữ liệu của Trung tâm Thông tin BHXH Việt Nam.
        + Trường hợp dữ liệu khớp đúng: Lập biên bản thẩm định, cán bộ thẩm định và Trưởng phòng ký xác nhận nội dung thẩm định vào biên bản và đơn đề nghị cấp lại sổ BHXH; trình Giám đốc phê duyệt và in sổ BHXH; chuyển hồ sơ, sổ BHXH cho bộ phận một cửa để chuyển trả cho tổ chức, cá nhân và thực hiện lưu trữ đúng quy định.
       + Trường hợp khi đối chiếu hồ sơ đề nghị cấp lại sổ BHXH với cơ sở dữ liệu đang quản lý và dữ liệu của Trung tâm Thông tin BHXH Việt Nam: Nếu có nghi vấn phải liên hệ với BHXH tỉnh nơi người tham gia BHXH, BHTN đã tham gia BHXH, BHTN trước đó để xác minh lại quá trình đóng BHXH, BHTN. Nếu phát hiện người tham gia đã hưởng BHXH một lần thì liên hệ với BHXH tỉnh hoặc huyện nơi giải quyết chế độ BHXH để xác minh lại. Nếu đã hưởng BHXH một lần thì không tính thời gian đã hưởng và thông báo cho tổ chức hoặc người tham gia biết.
        2.2. Cấp lại, điều chỉnh sổ BHXH:
        2.2.1. BHXH huyện:
          - Bộ phận một cửa: Tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp lại, điều chỉnh tiền lương, tiền công, phụ cấp, mức đóng, cấp bậc, chức vụ, chức danh nghề, điều kiện làm việc của người lao động đóng BHXH, BHTN từ sau ngày 31/12/2008 trên sổ BHXH từ tổ chức, cá nhân (theo phân cấp quản lý), chuyển hồ sơ cho bộ phận Thu; các trường hợp cấp lại sổ BHXH, điều chỉnh sổ BHXH còn lại chuyển hồ sơ cho bộ phận một cửa BHXH tỉnh. Nhận lại hồ sơ đã giải quyết từ bộ phận Cấp sổ, thẻ để trả tổ chức, cá nhân. Khi phát thẻ BHYT mới cho đơn vị phải thu hồi thẻ BHYT cũ nộp trả bộ phận Cấp sổ, thẻ.
- Bộ phận Thu: Nhận hồ sơ từ bộ phận một cửa BHXH huyện chuyển đến; kiểm tra, đối chiếu và nhập nội dung điều chỉnh vào chương trình SMS; chuyển hồ sơ cho bộ phận Cấp sổ, thẻ.
          - Bộ phận Cấp sổ, thẻ: Nhận hồ sơ từ bộ phận Thu chuyển đến; kiểm tra, đối chiếu hồ sơ đề nghị điều chỉnh với dữ liệu trong chương trình SMS. Trường hợp dữ liệu đã nhập vào chương trình SMS có sai sót thì chuyển lại hồ sơ cho bộ phận Thu để kiểm tra, điều chỉnh. Trường hợp dữ liệu đã nhập vào chương trình SMS khớp đúng: Trình Giám đốc BHXH huyện phê duyệt hồ sơ điều chỉnh, chuyển dữ liệu về BHXH tỉnh, sau khi BHXH tỉnh kiểm tra, cho phép thì in nội dung điều chỉnh trong sổ BHXH. Trường hợp có thay đổi về nhân thân đối với người đang tham gia BHXH, BHYT thì in cả thẻ BHYT mới chuyển hồ sơ, sổ BHXH, thẻ BHYT cho bộ phận một cửa, thực hiện nộp lưu trữ theo quy định.
          2.2.2. BHXH tỉnh:
          - Bộ phận một cửa: Tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp lại, điều chỉnh sổ BHXH từ tổ chức, cá nhân (theo phân cấp quản lý) và hồ sơ đề nghị cấp lại, điều chỉnh sổ BHXH từ bộ phận một cửa BHXH huyện chuyển đến, chuyển hồ sơ cho phòng Thu. Khi trả hồ sơ cho các đơn vị trực thuộc kèm theo thẻ BHYT thì thu hồi thẻ cũ trả lại cho phòng Cấp sổ, thẻ.  
          - Phòng Thu: Nhận hồ sơ từ bộ phận một cửa chuyển đến; tiến hành thẩm định, nhập nội dung điều chỉnh vào chương trình SMS, viết phiếu điều chỉnh chuyển hồ sơ cho phòng Cấp sổ, thẻ.
          - Phòng Cấp sổ, thẻ: Nhận hồ sơ từ phòng Thu chuyển đến; kiểm tra, đối chiếu hồ sơ đề nghị điều chỉnh với dữ liệu trong chương trình SMS. Trường hợp dữ liệu đã nhập vào chương trình SMS có sai sót thì chuyển lại hồ sơ cho phòng Thu để kiểm tra, điều chỉnh. Trường hợp dữ liệu đã nhập vào chương trình SMS khớp đúng: In sổ BHXH hoặc ghi nội dung điều chỉnh trong sổ BHXH trình Giám đốc BHXH tỉnh ký phê duyệt; in thẻ BHYT mới theo nội dung đã điều chỉnh (đối với đơn vị do tỉnh thu), chuyển hồ sơ, sổ BHXH, thẻ BHYT cho bộ phận một cửa để chuyển trả cho tổ chức, cá nhân và thực hiện nộp lưu trữ theo quy định.
         3. Thời hạn giải quyết:
         3.1. Cấp lại, đổi sổ BHXH (bao gồm cả trường hợp đổi sổ do thay đổi, cải chính họ tên, ngày tháng năm sinh): Không quá 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Trong đó: - BHXH huyện:                 10 ngày
                           - Bộ phận một cửa:                    04 ngày
                           - Phòng Thu:                    21 ngày
                           - Phòng Cấp sổ, thẻ:                  10 ngày
          3.2. Điều chỉnh nội dung đã ghi trên sổ BHXH: Không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Trong đó:   
                 - BHXH huyện:                 07 ngày
                 - Bộ phận một cửa:           03 ngày
                          - Phòng Thu:           13 ngày
                          - Phòng Cấp sổ, thẻ:         07 ngày
         Lưu ý: Trường hợp cấp lại, điều chỉnh sổ BHXH cho người lao động thuộc các đơn vị sử dụng lao động do BHXH tỉnh trực tiếp quản lý thu BHXH: Thời hạn giải quyết của các phòng nghiệp vụ vẫn giữ như trên để trả hồ sơ sớm cho người lao động.

Phương pháp tư duy sáu chiếc mũ

“Sáu chiếc mũ tư duy” là một kỹ thuật có tác động rất mạnh mẽ do Edward de Bono tạo ra. Kỹ thuật này được sử dụng để xem xét các quyết định từ nhiều góc độ, giúp bạn tư duy khác biệt và có được cái nhìn toàn diện về một tình huống.
Nhiều người thành đạt tư duy từ một quan điểm tích cực và lý trí. Tuy nhiên, nếu họ không xem xét vấn đề từ một quan điểm xúc cảm, sáng tạo hay tiêu cực, họ có thể đánh giá thấp những cản trở đối với các kế hoạch, thất bại trong việc tạo ra những bước đột phá sáng tạo, và bỏ qua tầm quan trọng của các kế hoạch bất ngờ.
Ngược lại, những người bi quan có thể quá thủ thế, trong khi những người cảm tính có thể không xem xét các quyết định một cách bình tĩnh và lý trí.
Mỗi “chiếc mũ tư duy” là một phong cách tư duy khác nhau và kỹ thuật “sáu chiếc mũ tư duy” sẽ giúp bạn kiểm điểm các vấn đề từ nhiều góc độ, cho phép đưa ra những quyết định kết hợp được với tham vọng, tính hiệu quả, sự nhạy cảm và sự sáng tạo.

Các nhà quản lý nên chọn từng chiếc mũ khác nhau cho tình huống và các ưu tiên của bạn.

1. Mũ trắng.
Tập trung vào những dữ kiện có sẵn. Xem xét các thông tin bạn có và xem bạn có thể học được gì từ đó. Tìm ra những lỗ hổng kiến thức, thử lấp chúng hay xem xét chúng bằng cách phân tích những xu hướng đã qua và ngoại suy theo dữ liệu.

2. Mũ đỏ. Xem xét các vấn đề bằng cách sử dụng trực giác, tình cảm, và phản ứng mạnh mẽ. Thử tư duy xem những người khác phản ứng cảm tính như thế nào, và cố hiểu được phản ứng của những người không biết lỹ lẽ của bạn.

3. Mũ đen. Nhìn vào tất cả những điều tệ nhất của vấn đề, cố tìm xem tại sao vấn đề này không tiến triển. Điều này cho thấy rõ những điểm yếu của kế hoạch, cho phép bạn loại trừ hay sửa chữa chúng hay chuẩn bị những kế hoạch trù bị cho chúng. Điều này giúp cho kế hoạch của bạn linh hoạt hơn. Đây là một trong những lợi ích thật sự của kỹ thuật này, khi các vấn đề có thể được lường trước và ngăn chặn.

4. Mũ vàng. Đòi hỏi tư duy tích cực và lạc quan, điều này giúp bạn nhìn thấy các lợi ích của một quyết định. Nó giúp bạn vẫn tiếp tục bước tới khi mọi thứ trở nên khó khăn.

5. Mũ xanh lá cây. Bao gồm việc phát triển những giải pháp sáng tạo. Đây là một kiểu tư duy tự do mà trong đó có rất ít phê phán đối với các ý tưởng.

6. Mũ xanh da trời. Nhấn mạnh việc kiểm soát quy trình, và được những người chủ trì cuộc họp thể hiện. Khi đã hết ý tưởng, sử dụng tư duy kiểu mũ xanh có thể có ích, vì phương pháp sáng tạo này có thể kích thích việc tạo ra những ý tưởng mới.
 Nhượng Quyền Việt Nam

Những ngành nghề đang "khát nhân lực"


Những nghề thuộc nhóm ngành Cơ khí, Điện, Hóa chất, Kỹ thuật nông lâm nghiệp, Kỹ thuật thủy sản, Công nghệ địa chất - Vật lý, Toán, Thống kê, Công nghệ sinh học, Xã hội học…..vẫn có nhu cầu rất lớn.
Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, những nghề đang cần và còn thiếu nhiều nhân lực trong năm 2013 gồm: Công nghệ thông tin, Điện tử công nghiệp, Chế biến thực phẩm, Hàn công nghệ cao, Thiết kế đồ họa, Tạo mẫu và vẽ thiết kế trên máy tính...Công nghệ ô tô, cơ khí (tiện, phay, bào, hàn), Công nghệ thông tin, điện tử, thiết kế thời trang (vẽ mỹ thuật, hình họa, ký họa, thiết kế áo đầm, thiết kế rập, thời trang trẻ em, áo dài...), Nhà hàng khách sạn và các nghề lái xe, điện lạnh, thẩm mỹ…
Ông Trần Anh Tuấn Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, mặc dù lượng nhu cầu cho các ngành nghề vẫn còn cao nhưng chỉ có khoảng 80% sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ, trung cấp, sơ cấp nghề tìm được việc làm. 20% còn lại tìm việc rất khó khăn.

"Trong tổng số tìm được việc làm chỉ có 50% là có việc làm phù hợp năng lực và phát triển, 50% thật sự ổn định. Đặc biệt kỹ năng mềm là yêu cầu nhiều sinh viên, học sinh chưa đáp ứng được" - lời ông Tuấn.


Qua nhiều cuộc khảo sát cho thấy, tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%, chỉ có 5% học sinh có hiểu biết về ngành chọn học, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học, việc sinh viên tốt nghiệp ĐH không tìm được việc vẫn còn khá phổ biến.


Tỷ lệ nhu cầu nhận lực của TPHCM giai đoạn 2012- 2015

Vì vậy, SV muốn có được việc làm sau khi tốt nghiệp cần lưu ý những vấn đề sau: xu hướng việc làm của thị trường lao động; định hướng về sở thích, sở trường nghề nghiệp. Các quy định thi tuyển, xét tuyển Đh, CĐ, trung cấp, dạy nghề; chọn ngành, chọn trường phù hợp năng lực học và điều kiện kinh tế gia đình...

Học sinh không nên quyết tâm vào ĐH bằng mọi giá, tránh tình trạng khi vào học hoặc học xong ĐH có chán nản vì không đúng ngành nghề yêu thích. Trường hợp chọn trường tại chức thì vẫn có thể học liên thông (CĐ là 1,5 năm, ĐH là 3 năm) và cơ hội việc làm rất lớn.

"Hiện nay, nhiều cơ quan, doanh nghiệp tuyển người có trình độ ĐH chỉ khoảng 10-12 %, còn hệ tại chức và CĐ tuyển rất nhiều. Phụ huynh cũng không nên có những định kiến, tâm lý trọng bằng cấp bắt ép con em vào ĐH mà bỏ qua các trường dạy nghề" - ông Tuấn cho biết.

Theo VietNamNet

Các Vấn Đề Thường Gặp Trong Giải Quyết Chế Độ Hưu Trí


        1. Chế độ hưu trí khi chưa đủ thời gian tham gia BHXH
   Bố đẻ bà Tú nhập ngũ năm 1977, năm 1984 chuyển ngành vào cơ quan nhà nước. Năm 1992, nghỉ thôi việc theo Quyết định 176/HĐBT nhưng cơ quan mới trả tiền trợ cấp từ năm 1984-1992, với số tiền là 1.400.000 đồng, còn thời gian ở quân đội chưa được thanh toán.
Năm 2002, bố bà Tú ký hợp đồng lao động làm việc tại một doanh nghiệp nhà nước, tính đến nay được 10 năm, còn 7 năm nữa thì đủ 60 tuổi. Bà Tú muốn được biết chế độ nghỉ hưu của bố bà sẽ được tính như thế nào, có được hưởng chế độ đối với thời gian công tác tại quân đội không và thời gian công tác đã được chi trả trợ cấp thôi việc thì đến nay có được tính hưởng bảo hiểm xã hội không? 
 Trả Lời
Đến năm 2002, bố bà Tú ký kết hợp đồng lao động làm việc tại một doanh nghiệp nhà nước, đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến nay được 10 năm. Năm 2019, bố bà Tú đủ 60 tuổi, nếu quá trình đóng bảo hiểm xã hội từ nay đến thời điểm đó không bị đứt quãng, gián đoạn thì bố bà Tú có 17 năm tham gia bảo hiểm xã hội.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội thì người lao động nam đủ 60 tuổi và 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên  được hưởng lương hưu. Trường hợp bố bà Tú khi đủ 60 tuổi và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội 17 năm không đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.
Căn cứ điểm a, khoản 1 Điều 55 và Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội bố bà Tú được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần đối với người không đủ điều kiện hưởng lương hưu. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Theo khoản 2, Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội thì người đã đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ, đã có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, còn thiếu không quá 5 năm mới đủ 20 năm, kể cả những người đã có từ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên mà chưa nhận bảo hiểm xã hội một lần, có nhu cầu đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đến khi đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Đến khi đủ 60 tuổi, có đủ 17 năm đóng bảo hiểm xã hội, bố bà Tú có thể lựa chọn một trong hai hình thức, nhận bảo hiểm xã hội một lần, hoặc tiếp tục đóng nộp bảo hiểm xã hội tự nguyện thêm 3 năm để được hưởng chế độ hưu trí.

2. Đến tuổi hưu, có được tiếp tục tham gia bảo hiểm thất nghiệp?

Tôi năm nay 60 tuổi, đến tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian tham gia BHXH chỉ mới 15 năm, còn thiếu 5 năm nữa mới được hưởng lương hưu. Thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của tôi là 14 tháng. Vậy nếu tôi tiếp tục đi làm để đủ thời gian hưởng lương hưu thì có được tiếp tục đóng BHTN và hưởng trợ cấp khi thất nghiệp hay không? Nếu tôi không muốn đi làm nữa thì có được trợ cấp thất nghiệp không? 
Trả Lời : 
Bà Nguyễn Thị Dân - trưởng phòng lao động, tiền lương, tiền công Sở LĐ-TB&XH TP.HCM:
Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12-12-2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHTN thì đối tượng tham gia BHTN là người lao động làm việc trong doanh nghiệp có sử dựng từ 10 người lao động trở lên, giao kết loại hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ mười hai tháng đến ba mươi sáu tháng hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Do đó trường hợp người lao động nam hết tuổi lao động nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để hưởng chế độ hưu trí, có nguyện vọng tiếp tục làm việc để tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì vẫn thuộc đối tượng tham gia BHTN. Nếu người lao động này nghỉ việc để hưởng lương hưu hàng tháng sau khi đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 20 năm thì trường hợp này không được hưởng trợ cấp thất nghiệp do không thuộc trường hợp bị thất nghiệp.
Trường hợp người lao động hết tuổi lao động mà chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để hưởng lương hưu, nếu người lao động hội đủ 3 điều kiện hưởng BHTN theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP thì thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc, cụ thể:
1. Đã đóng BHTN đủ mười hai tháng trở lên trong vòng hai mươi bốn tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
2. Đã đăng ký với cơ quan lao động khi bị mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
3. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động.
Tuy nhiên, nếu người lao động được hưởng các quyền lợi của chính sách BHTN thì bên cạnh đó người lao động phải thực hiện nghĩa vụ hàng tháng phải đến cơ quan lao động để thông báo việc tìm kiếm việc làm trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. 
 Tổng Hợp